Đặt lịch hẹn

Các bệnh về nướu răng – Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh về nướu răng

Tác giả: Hảo Võ
Ngày: 31/01/2024
5/5 - (1 bình chọn)

Theo thống kê, có trên 90% người Việt từng mắc các bệnh về nướu răng. Với các bệnh lý răng miệng, việc phòng ngừa và nhận biết dấu hiệu bệnh sớm rất quan trọng.

1. Bệnh lý về nướu răng là gì?

Các bệnh lý về răng miệng nói chung thường bắt đầu bằng sự phát triển của các vi khuẩn trong miệng do không vệ sinh đúng cách và có thể kết thúc bằng việc mất răng do mô bao quanh răng bị phá hủy nếu không điều trị. Điều đáng nói là hầu hết bệnh đều tiến triển âm thầm trong một thời gian dài rất nhiều. Đến khi người bệnh nhận ra thì đã ở giai đoạn nặng, khó điều trị dứt điểm.

Bệnh nướu hay bệnh về lợi (tiếng anh là Gum Disease) là tình trạng nướu sưng đỏ, răng có nhiều mảng bám, dễ bị chảy máu chân răng khi đánh răng, nghiêm trọng có thể dẫn đến mất các mô giữ răng, khiến răng yếu. Các bệnh ở nướu bao gồm viêm nướu và viêm nha chu, dễ mắc ở mọi đối tượng và xảy ra khi các mô bao quanh và hỗ trợ răng bị viêm.

Viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh, khi không được điều trị sẽ tiến triển nặng thành viêm nha chu. Ở giai đoạn nặng, viêm chu nha sẽ bắt đầu gây hại đến mô nướu và xương ổ nâng đỡ quanh răng, gây tụt nướu, khiến răng bắt đầu lung lay. Giai đoạn 3 của bệnh là viêm nha chu tiến triển – người bệnh có nguy cơ bị mất răng vĩnh viễn.

Các bệnh về nướu răng – Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh về nướu răng

2. Bệnh về nướu răng có nguy hiểm không?

Qua 3 giai đoạn ở trên, hẳn bạn đã nhận thấy bệnh về nướu răng gây ra nhiều ảnh hưởng.

Khi tình trạng bệnh trở nên tồi tệ, sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát triển thêm các biến chứng như: áp xe nướu tái phát (tụ mủ gây đau), làm tăng tổn thương dây chằng nha chu (mô nối răng với ổ răng), làm tăng tổn thương và mất xương ổ răng (xương trong hàm chứa các hốc răng), tụt nướu, răng lung lay, mất răng…

Bên cạnh việc gây hôi miệng, tụt nướu, răng nhạy cảm và mùi vị khó chịu, bệnh về lợi có thể khiến cuộc sống của bạn xoay chuyển theo hướng mà bạn không hề mong muốn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nha chu gây tổn thương tim, dẫn đến viêm nội tâm mạc đe dọa tính mạng.

3. Dấu hiệu bệnh về nướu răng

Không chỉ riêng các bệnh về nướu răng, hầu hết bệnh lý răng miệng nói chung đều không gây ra dấu hiệu rõ ràng ngay cả ở giai đoạn tiến triển. Thông thường, người bệnh chỉ phát hiện ra khi bệnh đã trở nặng và có những triệu chứng rõ ràng, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày.

Tuy nhiên, không phải hoàn toàn không có dấu hiệu bệnh về nướu răng. Sau đây là những dấu hiệu bệnh lý nướu răng tinh vi mà bạn nên biết:

  • Nướu bị chảy máu trong và sau khi đánh răng
  • Nướu đỏ, sưng hoặc mềm
  • Hôi miệng dai dẳng
  • Tụt nướu
  • Hình thành các túi sâu giữa răng và nướu
  • Răng lung lay hoặc dịch chuyển
  • Những thay đổi về khớp cắn

Làm sao để phát hiện ra những dấu hiệu này? Cách hiệu quả nhất là bạn chú ý quan sát tình trạng tổng thể trong mỗi lần vệ sinh răng miệng. Thay vì việc đánh răng vội vàng, bạn hãy dành thời gian chải răng chậm rãi, quan sát và cảm nhận về răng và lợi xem có thay đổi nào không.

Ngay cả khi bạn không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào thì cũng rất có thể bạn vẫn đang mắc bệnh nướu răng ở một mức độ nào đó. Ở một số người, bệnh nướu có thể chỉ ảnh hưởng đến một số răng nhất định, chẳng hạn như răng hàm mà chỉ có bác sĩ nha khoa mới phát hiện được.

>> Xem thêm: Vì sao bị sưng nướu? Cách trị sưng nướu răng tại nhà

Vì thế mà việc khám răng định kỳ hằng năm giữ vai trò quan trọng trong chu trình chăm sóc răng miệng của mình. Khi có dấu hiệu bất thường ở nướu bạn hãy đến gặp bác sĩ, khi không có vấn đề nào bạn cũng cần duy trì tần suất khám tổng quát nha khoa 1 lần mỗi năm.

Các bệnh về nướu răng – Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh về nướu răng

4. Bệnh về lợi được chẩn đoán như thế nào?

Khi phát hiện ra dấu hiệu bệnh về nướu, bạn hãy đến nha khoa để được chẩn đoán bằng các phương pháp sau:

  • Xem lại lịch sử y tế của người bệnh để xác định bất kỳ yếu tố nào có thể liên quan đến các triệu chứng về nướu răng không.
  • Xem xét mảng bám và cao răng tích tụ và kiểm tra xem có dễ chảy máu không.
  • Đo độ sâu của các túi giữa nướu và răng bằng đầu dò nha khoa tại một số vị trí ở trên và nướu dưới. Khi khỏe mạnh độ sâu của túi thường từ 1 – 3mm, còn khi túi sâu hơn 4 mm có thể biểu hiện viêm nha chu, túi sâu hơn 5mm, không thể được làm sạch tốt bằng cách chăm sóc thông thường là nguyên nhân gây viêm nướu.
  • Chụp X-quang toàn hàm để kiểm tra tình trạng mất xương ở những khu vực túi nha chu sâu hơn 5mm.
  • Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh về lợi như trên, nha sĩ sẽ đánh giá mức độ của các bệnh về nướu và đề xuất phương án điều trị kịp thời.

5. Cách điều trị các bệnh về nướu răng

Sau đây là những cách điều trị các bệnh về nướu răng tùy vào mức độ bệnh.

5.1 Điều trị bệnh về nướu răng không phẫu thuật

  • Lấy cao răng: loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới đường viền nướu bằng cách sử dụng các dụng cụ, tia laser hoặc thiết bị siêu âm.
  • Đánh bóng gốc răng: giúp ngăn ngừa sự tích tụ thêm của cao răng và vi khuẩn, tạo điều kiện cho nướu bám tốt vào chân răng.
  • Dùng chỉ nha khoa đánh răng thường xuyên: hàng ngày, vào buổi sáng và tối, sau khi đánh răng, không hút thuốc.

5.2 Điều trị bệnh nướu răng bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật tạo vạt hay còn gọi là phẫu thuật thu gọn túi: phẫu thuật làm lộ chân răng để lấy cao răng chuyên sâu và làm sạch chân răng hiệu quả hơn. Vì viêm nha chu thường gây mất xương nên xương có thể được tạo hình lại trước khi mô nướu được khâu lại vào đúng vị trí.

Các bệnh về nướu răng – Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh về nướu răng

  • Ghép mô mềm: đường viền nướu sẽ thấp hơn lộ một số vùng chân răng khi mất mô mềm. Lúc này, bác sĩ nha khoa sẽ gia cố một số mô bị tổn thương bằng cách lấy một lượng nhỏ mô từ vòm miệng ghép nó vào vị trí bị ảnh hưởng. Từ đó giúp giảm tình trạng tụt nướu, che phủ phần chân răng bị lộ ra ngoài và mang lại vẻ ngoài đẹp hơn cho răng.
  • Ghép xương: cách điều trị các bệnh về nướu này được thực hiện khi viêm nha chu đã phá hủy xương xung quanh chân răng. Mảnh ghép có thể được làm từ những mẩu xương nhỏ của người bệnh, vật liệu nhân tạo hoặc được hiến tặng nhằm giúp ngăn ngừa mất răng bằng cách giữ răng tại chỗ, tạo nền tảng cho sự hồi phục và phát triển xương.
  • Tái tạo mô có hướng dẫn: cho phép tái tạo xương bị vi khuẩn phá hủy bằng cách đặt một loại màng sinh học đặc biệt giữa xương hiện có và răng, ngăn các mô không mong muốn phát triển vào khu vực chữa lành.
  • Protein kích thích mô: chứa các protein tương tự được tìm thấy trong quá trình phát triển men răng, kích thích sự phát triển của xương và mô khỏe mạnh.

5.3 Điều trị bệnh nướu răng bằng thuốc

Kháng sinh tại chỗ có thể bao gồm nước súc miệng kháng sinh hoặc đặt gel có chứa kháng sinh vào túi nướu có thể giúp kiểm soát nhiễm trùng do vi khuẩn. Một số trường hợp cần dùng cách điều trị các bệnh về nướu kết hợp thêm kháng sinh dạng uống để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng.

6. Cách phòng tránh bệnh về nướu răng

Nhìn chung, nguyên nhân gây ra các bệnh lý về lợi là do sự tích tụ mảng bám trên răng. Vì thế, bạn cũng có thể phòng tránh bệnh về nướu răng bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà:

  • Đánh răng nhẹ nhàng theo chuyển động dọc hoặc tròn bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần/ngày.
  • Làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng.
  • Lựa chọn bàn chải lông mềm và thay bàn chải đánh răng 1 – 3 tháng/lần.
  • Gặp nha sĩ để kiểm tra răng miệng thường xuyên, nhất là khi đang mang thai hoặc mắc bệnh tiểu đường type 2.
  • Hạn chế hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện.
  • Ngay khi phát hiện dấu hiệu bệnh về nướu, hãy đến gặp bác sĩ nha khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Chủ đề: Bệnh lý về nướu răngcách trị viêm nướuDấu hiệu viêm nướuLấy cao răngviêm nha chuViêm nướu
Bài viết liên quan

Chảy máu chân răng khi niềng răng có sao không?

Chảy máu chân răng không phải là triệu chứng quá xa lạ khi niềng răng. Bạn không cần quá lo lắng bị chảy ...

Triệu chứng viêm lợi là gì? Cách điều trị viêm lợi là gì?

Viêm lợi có thể do cao răng và các mảng bám cùng với vi khuẩn. Nếu biết triệu chứng viêm lợi là gì sớm sẽ ...

Vì sao bị sưng nướu? Cách trị sưng nướu răng tại nhà

Sưng nướu gây khó khăn khi ăn nhai. Trước khi kiểm tra vì sao bị sưng nướu thì bạn có thể áp dụng các cách ...

Cách ngừa sâu răng người lớn hiệu quả

Khi đã bị sâu răng thì việc điều trị phức tạp và khả năng mất răng là rất lớn. Vì vậy tốt nhất hãy ...